Khám phá những loại gia vị Tây Bắc nổi tiếng

gia-vi-tay-bac

Gia vị Tây Bắc được biết đến bởi hương vị độc đáo, đặc trưng riêng của vùng núi Tây Bắc. Khác với những loại gia vị quen thuộc như hành, tiêu, ớt, tỏi… Những gia vị này có nguồn gốc từ miền núi phía Bắc, được tìm thấy trong núi rừng thiên nhiên. Chúng được xem là món quà thiên nhiên dành tặng riêng   cho những con người nơi đây. Nó góp phần làm tạo nên sự phong phú cho ẩm thực Việt Nam.

Gia vị Tây Bắc là thành phần quan trọng nhất để tạo nên mùi thơm và vị ngon đặc trưng trong các món ăn Tây Bắc . Đặc biệt là khi chế biến thành các món nướng. Các món ăn Tây Bắc tạo nên sức hút khó cưỡng đối với mọi thực khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người khá lạ lẫm với những cái tên như mắc khén, hạt dổi, mắc mật,.. Hôm nay, hãy cùng Trí Việt Phát khám phá những gia vị Tây Bắc nổi tiếng này nhé!

Xem thêm: Gia vị Umami là gì? Những sự thật thú vị về Umami

1. Mắc khén – Linh hồn của gia vị Tây Bắc

Mắc khén thuộc loại cây mọc dại thuộc họ hồi, có tinh dầu thơm. Nó là gia vị huyền thoại của người đồng bào vùng Tây Bắc. Cây mắc khén sau khi ra trái sẽ được người dân thu hoạch (thường là tháng 11).  Quả mắc khén tươi sẽ có hương thơm nồng hơn. Nhưng vì khó bảo quản nên người dân thường đem  phơi hoặc treo lên gác bếp cho khô và để dành dùng quanh năm.

hat-mac-khen
Hạt mắc khén (Nguồn: internet)

Mắc khén hạt nhỏ có màu nâu đen, kết chùm. Khi quả khô sẽ tự động tách vỏ, để lộ hạt bên trong, phần vỏ giống hình bông hoa. Chúng được ví như tiêu rừng nhưng lại không cay bằng. Khi nếm sẽ cảm nhận sự tê nơi đầu lưỡi, sau đó dậy hương thơm cực kỳ cuốn hút. Mùi thơm được nhận xét như mùi hồi kết hợp với vỏ quýt.

Mắc khén khô đem rang trên bếp 2- 3 phút cho dậy mùi thơm. Sau đó đem đi giã hoặc xay nhuyễn.

Loại gia vị này thích hợp để tẩm ướp các món nướng, rán. Chỉ cần dùng một lượng nhỏ đã tạo nên mùi thơm quyến rũ khó quên. Vị cay cay, tê đầu lưỡi, mùi thơm đặc trưng đã tạo nên sự đặc biệt, không thể thay thế.

Ngoài ra, có thể thêm một chút bột mắc khén vào nước chấm, đảm bảo món nước chấm sẽ thêm thơm ngon, hấp dẫn.

Chắc chắn những ai được thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị đặc biệt này sẽ không thể quên hương vị đặc trưng của nó.

2. Hạt dổi – Gia vị của núi rừng Tây Bắc

Dổi là loại cây rừng mọc tự nhiên. Thân gỗ cao và thường ít cành. Lai Châu là vùng đất nổi tiếng về hạt dổi rừng nhất. Cây dổi lâu năm mới có thể cho quả, cho hạt và thường số lượng rất ít, vì vậy giá thành khá đắt. Vì vậy, hạt dổi được người dân ở đây ví như “vàng đen Tây Bắc”. Hạt dổi dược thu hoạch vào khoảng vào tháng 10, 11.

hat-doi-rung
Hạt dổi rừng (nguồn: internet)

Có 2 loại cây dổi:

  • Loại lấy gỗ được gọi là dổi tẻ.
  • Loại lấy hạt là dổi nếp.

Hạt dổi nếp rất thơm. Khi phơi khô thì càng thơm hơn nhiều lần nên được dùng làm gia vị. Hạt dổi được sử dụng làm gia vị cho rất nhiều món ăn, tạo nên một hương vị đặc trưng Tây Bắc. Cùng với mắc khén, hạt dổi tạo thành gia vị chấm hoặc ướp đặc trưng mang hương vị núi rừng Tây Bắc. Sự kết hợp các gia vị lại với nhau tạo ra mùi vị đặc trưng, thơm ngon cho mỗi món ăn nơi đây.

Hạt dổi ngon và thơm nhất là khi được nướng trên bếp than củi. Nướng sơ đến khi ngửi thấy thơm và hạt phồng lên là được. Sau đó đem đi giã còn nóng để vẫn giữ được đồ giòn.

Loại gia vị này có mùi đặc biệt, khá giống mùi xá xị, hợp để ướp cùng thức ăn hoặc làm gia vị chấm.

3. Mắc mật

Mắc mật hay còn có tên gọi khác là móc mật, mác mật, hồng bì núi… Đây cũng là một trong những loại gia vị núi rừng Tây Bắc vô cùng nổi tiếng. Cây mắc mật có nhiều ở khu vực Sơn La, Lạng Sơn.

cay-mac-mat
Cây mắc mật (nguồn: internet)

Mắc mật cũng là cây thân gỗ và có thể sử dụng cả quả lẫn lá non để làm gia vị. Tuy nhiên mùi thơm của lá vẫn là chủ yếu và đặc trưng hơn cả. Mắc mật có thể sử dụng cả khi tươi và khô. Lá mắc mật thì thường được sử dụng xiên xen kẽ với thịt nướng. Các món nướng cùng lá mắc mật vô cùng thơm ngon, khó cưỡng.

qua-mac-mat
Quả mắc mật (nguồn: internet)

Cũng giống như lá, quả mắc mật có mùi thơm đặc trưng. Quả mắc mật rất giàu vitamin C, khi còn tươi sẽ có vị hơi chua ngọt thanh thanh. Có thể ăn tươi hoặc ngâm chua. Mắc mật phơi khô dùng làm gia vị tẩm ướp.

4. Gia vị chẩm chéo

Gia vị chẩm chéo hay chẳm chéo là gia vị đã có từ lâu đời của dân tộc Thái vùng Điện Biên, Tây Bắc và Đông Bắc Thái Lan. “Chẩm” theo tiếng Thái có nghĩa là món chấm, “chéo” là mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Chẩm chéo dùng chấm các món luộc, xôi, các món rau sống và đồ nướng.
Món chấm này được làm từ các nguyên liệu chính như: Hạt dổi, muối, mắc khén, cá cơm, tỏi, ớt, húng lủi, rau thơm, sả.

gia-vi-cham-cheo-uot
Gia vị chẩm chéo ướt (nguồn: internet)
gia-vi-cham-cheo-kho
Gia vị chẩm chéo khô (nguồn: internet)

Về cơ bản, làm chẩm chéo cần mắc khen, hạt dổi và ớt khô. Mắc khén đem nướng lên cho thơm và giòn cùng với tỏi và ớt để lấy vị thơm. Giã tất cả chung với muối và mì chính là sẽ có một bát chẩm chéo cơ bản. Đây là món chấm đặc trưng nhất của dân tộc Thái. Ngoài việc chấm rau, chấm thịt người Thái còn dùng chẩm chéo để ăn trái cây như: trái mận, bắp cải cuốn nhót,.. Chẩm chéo được sử dụng hầu hết trong những bữa ăn hằng ngày hoặc đãi khách miền xuôi.

Với những chia sẻ trên, Trí Việt Phát mong muốn giúp bạn hiểu thêm về những gia vị Tây Bắc đặc trưng. Ngoài ra bạn có thể sử dụng các loại gia vị này vào các món ăn để thay đổi khẩu vị của gia đình mình.

Đừng quên tham khảo website: Trivietphat.net để biết thêm về các làm cũng như các kiến thức về ẩm thực của Việt Nam và trên thế giới bạn nhé. Ngoài ra bạn có thể lựa chọn được những sản phẩm tiện lợi và chất lượng cho gia đình mình. Chúc bạn và gia đình có những món ăn ngon mỗi ngày!

Trả lời

098.7799.239