Xuất phát điểm với 87 triệu đồng, sau 10 năm, Trí Việt Phát đã từng bước vươn tầm quốc tế, doanh thu 157 tỷ đồng một năm, đặt ra mục tiêu 1.000 tỷ doanh thu trong vòng 4 năm tới.
Công ty Trí Việt Phát thành lập vào 2012. Doanh nghiệp hiện sở hữu các nhãn hiệu như GUNGON, GUYUMI, Wil với đa dạng các loại sản phẩm gồm gia vị hoàn chỉnh, xốt ướp, xốt chấm, muối chấm và trà hòa tan…
Sau 10 năm phát triển với mô hình kinh doanh bền vững – chuẩn trước khi đi nhanh, Trí Việt Phát đã có bước tiến mới khi quốc tế hóa quy trình sản xuất và vận hành. Công ty kêu gọi thành công 24 tỷ đồng cho 15% cổ phần từ Shark Hùng Anh . Để được thành tựu như hôm nay, CEO kiêm Founder Nguyễn Thị Vân Anh cho biết mình đã trải qua những vất vả của tuổi trẻ và phải cố gắng rất nhiều với đam mê.
– Con đường nào đưa chị đến với ngành gia vị?
– Vốn yêu thích về gia vị và điều chế, sau khi tốt nghiệp ngành hoá công nghệ Thực Phẩm tại Đại học Bách Khoa TP HCM, tôi vào làm ở tập đoàn đa quốc gia chuyên về chế biến thực phẩm. Tại đây tôi được tiếp xúc, học nếm, rèn các cảm quan mỗi ngày với vô vàn nguyên liệu, gia vị, tích thêm nhiều kiến thức.
Với vốn hiểu biết cùng đam mê khám phá ẩm thực, mang đến nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản Việt đã thúc đẩy tôi khởi nghiệp và thành lập Trí Việt Phát.
Những ngày mới bắt đầu, tôi chỉ có 87 triệu đồng để mua một máy xay, máy trộn, máy sấy và chiếc cân điện tử đã qua sử dụng, cùng với số tiền mua nguyên vật liệu. Thời gian này, tôi tự nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, kiêm nhiệm vị trí bán hàng. Sau hai năm, Trí Việt Phát bắt đầu có những đội ngũ nhân viên và tất cả đều có chuyên môn công nghệ thực phẩm.
Xe buýt là phương tiện tôi sử dụng di chuyển để đến gặp các đối tác. Với tôi, việc đi lại bằng xe buýt khiến tôi rất thoải mái, nhờ đi xe buýt tôi đã biết được nhiều điều thú vị, tôi có thể tận hưởng và lên ý tưởng cho sản phẩm mới khi ngồi trên xe.
– Bước ngoặt nào đáng nhớ trong hành trình phát triển của công ty, thưa bà?
– Dấu mốc đáng nhớ có ý nghĩa tạo bước ngoặt là vào năm 2015, khi đó có một tập đoàn là một trong năm tập đoàn thực phẩm lớn nhất toàn cầu thu mua một công ty sản xuất bánh kẹo lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này bắt đầu tìm kiếm và đưa ra loạt yêu cầu khắt khe cho nhà cung cấp (supplier) nếu muốn tham gia sản xuất cùng họ.
Tôi nhìn nhận rằng đây là cơ hội lớn nhưng cũng chứa đầy thách thức. Với mục tiêu xây dựng mô hình kinh doanh bền vững hướng đến toàn cầu từ những ngày đầu thành lập công ty, tôi đã tham gia vì chỉ có xây dựng quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế (FSSC 22000) thì sẽ có cơ hội đưa doanh nghiệp vào thị trường quốc tế.
Từ đây, tôi và đội ngũ đồng hành đã tập trung toàn lực đầu tư vào các thiết bị hiện đại cho nhà máy, xây dựng đội ngũ nghiên cứu và sản xuất bài bản. Sau đó, Các tập đoàn nước ngoài trực tiếp đến kiểm tra và đánh giá quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Quá trình kiểm duyệt diễn ra mỗi tháng, liên tục trong ba năm mới có kết quả đạt tiêu chuẩn của họ.
Sau khi được các tập đoàn nước ngoài đánh giá đạt tiêu chuẩn, chúng tôi bắt đầu nhận nhiều đơn hàng hơn, toàn bộ đơn hàng phân phối B2B do tôi trực tiếp phụ trách và nhờ các đối tác giới thiệu.
Bên cạnh dấu ấn với “người khổng lồ”, năm 2017 chúng tôi đánh dấu bước tiến bằng việc xây dựng nhà máy mới 1.000 m2 tại TP Thủ Đức. Năm 2019, nhà máy được mở rộng đến 6.000 m2.
– Sau khi chuẩn hóa quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, doanh thu công ty có sự thay đổi như thế nào?
– Trước giai đoạn “lột xác”, doanh thu công ty không quá 10 tỷ đồng. Đến năm 2015, sau khi từng bước xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, quy trình đạt chuẩn quốc tế Trí Việt Phát có doanh thu gần 40 tỷ đồng/ năm.
Đến giai đoạn hoàn thành nhà máy 6.000 m2 vào năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 61 tỷ đồng. Con số này tăng lên 82 tỷ vào 2020, 109 tỷ vào năm 2021 và 157 tỷ vào năm 2022.
– Để hoàn thành mục tiêu 1.000 tỷ trong 4 năm, chị đã lên kế hoạch thế nào?
– Tôi xác định từ đầu là rất khó nếu cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nếu đi theo hướng B2C. Vì thế, định hướng B2C, Trí Việt Phát đầu tư vào đội nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm mới lạ, thoả tiêu chí Lành – Ngon – Nhanh Gọn, từ nguồn nguyên liệu có sẵn, điển hình như sốt sản phẩm xốt kim quất mơ rừng, xốt ớt Habanero, Xốt ớt xanh mơ rừng…để tạo sự khác biệt trên thị trường. Các sản phẩm chủ lực thời gian tới sẽ là gia vị dùng cho chế biến thịt, thức ăn nhanh (fast food), bánh snack,…
Trong tương lai, tôi sẽ tập trung phát triển theo mô hình doanh nghiệp xanh bởi hiện nay thiết bị hầu hết của Công ty đều dùng điện nên việc phát triển xanh hóa nhà máy sẽ giúp tiết kiệm nguồn nhiên liệu, hạn chế tác động môi trường. Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm một thiết bị lên men, sấy, xay mịn các loại rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ dạng khô. Việc tham gia cạnh tranh thị trường B2C là chiến lược dài hơi nên tôi cần lập kế hoạch thật chi tiết.
– Sự cố lớn nhất chị gặp phải khi khởi nghiệp là gì?
– Năm 2017, chúng tôi ký hợp đồng xuất khẩu tương ớt Sriracha sang Mỹ. Đây cũng là lô hàng xuất ngoại đầu tiên của Trí Việt Phát. Tuy nhiên do chúng tôi theo dõi sản phẩm chưa đủ kỹ, sản phẩm không dùng chất bảo quản nên dù lúc kiểm định đáp ứng đúng yêu cầu nhưng đến khi nhập kho, các sản phẩm lại bị phồng lên vì tiếp tục lên men.
Chúng tôi phải đền bù hợp đồng cho khách hàng tỷ đồng. Nhưng tôi không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc mà phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, Nghiên cứu tìm nguyên nhân, cải tiến làm lại những sản phẩm chất lượng hơn. Kể từ đó, Trí Việt Phát không gặp phải trường hợp tương tự.
Đây cũng là bài học quý để đội ngũ có kinh nghiệm và có được cái nhìn bao quát. Hiện nay, các sản phẩm như gia vị, xốt ướp, xốt chấm, muối chấm và trà hòa tan… của chúng tôi đã có mặt tại Mỹ, Nhật, Việt Nam..
– Điều gì khiến chị tự hào nhất về doanh nghiệp?
– Trong 10 năm qua, Tôi đã rất có uy tín với khách hàng lớn nhất nhì các tập đoàn thực phẩm đa quốc gia, tôi thích làm hài lòng khách hàng khó trước, vì làm cái khó trước thì làm cái dễ sẽ nhẹ nhàng hơn. Để có thể đưa doanh nghiệp phát triển mỗi năm tăng trưởng 40-46% doanh thu. Điều từ hào thứ hai là đội ngũ Trí Việt Phát đã không ngần ngại thay đổi để quốc tế hóa quy trình, từ đó tạo bước nhảy vượt bật. Thứ ba là bước đầu giới thiệu các nông sản đặc trưng của Việt Nam đến các nước như Mỹ, Nhật, Australia… Hiện nay, Trí Việt Phát đã tạo được dấu ấn với các dòng sản phẩm như xốt ớt Habanero – một giống ớt đặc biệt siêu cay có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Chile và Mexico, xốt kim quất mơ rừng, Trà hoà tan ổi hồng,…
– Vì sao chị chọn đánh vào thị trường Mỹ đầu tiên?
– Từ bé tôi thích làm việc khó, Làm nhân viên kinh doanh Tôi cũng thích đi chào sản phẩm đặc biệt có giá trị cụ thể cho khách hàng khó, hiểu giá trị của sản phẩm. Đặc biệt là họ cũng nghiêm túc trong kinh doanh. Tôi chọn xuất đi Mỹ vì thị trường khó nhưng lại rất lớn và tiềm năng.
– Theo chị, doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh nào để cạnh tranh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm?
– Theo tôi người Việt Nam rất sáng tạo, nguyên liệu cũng phong phú nhưng hơi tự phát và muốn thắng nhanh, ít nguyên tắc. Chỉ cần Việt Nam có nguyên tắc hơn trong trồng trọt, Sản xuất, Kinh Doanh tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất phát triển. Chính vì lẽ đó mà tôi rất tự hào Tôi là người Việt. Nên tôi luôn cố gắng sống và làm việc để luôn giữ sự tự hào đó.